Người chơi game trên PC hoặc máy chuyên dụng thường đánh giá thấp, cho rằng game mobile ít giá trị hơn.
Với sự phổ biến của smartphone, game di động cũng ngày càng có nhiều người chơi. Tuy nhiên, trong các cộng đồng game máy tính (PC) và máy chuyên dụng (console), những nội dung mang tính phân biệt đối với game thủ mobile vẫn rất được yêu thích.
Đa số tỏ thái độ tiêu cực, thậm chí dùng những lời lẽ thiếu tôn trọng để nói về người chơi game trên di động. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này.
Tâm lý “thượng đẳng”
Trong bối cảnh văn hóa mua game ngày một phát triển, người chơi chuộng mua game bản quyền hơn, sẽ có nhiều game thủ hình thành suy nghĩ phân biệt người chơi game miễn phí, trong đó có cả game thủ mobile.
Mặc dù văn hóa mua game phát triển, nhiều người chơi lại cho rằng game mobile đều là miễn phí. Giá một ứng dụng di động chỉ vài USD, thấp hơn nhiều so với game PC hay console. Kể cả những tựa game mobile chất lượng có giá 15-20 USD cũng không có nhiều.
Vì phần lớn người chơi mobile sẽ chọn game miễn phí có cơ chế nạp tiền, những game thủ PC/Console sẽ có tâm lý không tôn trọng những người chơi di động, cho rằng họ chỉ thích những thứ miễn phí hay rẻ tiền.
Vậy nên những game thủ mang tâm lý “thượng đẳng” thường không có thái độ tích cực với game mobile hay người chơi, thậm chí coi họ không phải là game thủ.
Những hạn chế của game mobile
Các hệ điều hành smartphone từng được kỳ vọng là nền tảng kế thừa văn hóa chơi game từ những hệ máy cầm tay. Tuy nhiên, chất lượng game mobile vẫn chưa tốt như mong đợi.
Phần cứng smartphone hiện nay đã đủ khả năng chạy những tựa game với đồ họa đẹp như Call of Duty Mobile hay PUBG Mobile. Tuy nhiên, yêu cầu phần cứng quá cao khiến điện thoại nhanh nóng, hao pin, thiết bị nhanh xuống cấp khi chơi game nặng. Điều đó khiến trải nghiệm của game thủ bị hạn chế rất nhiều.
Vì yếu tố đó, lượng người dùng smartphone rất đông, nhưng phần lớn xem game là công cụ “giết thời gian”, chứ không coi đây là nền tảng giải trí chính như khi đầu tư thời gian chơi game PC, console.
Chính vì điều này, nhiều nhà làm game coi game di động như một nền tảng phụ, dẫn tới việc các sản phẩm chất lượng giảm dần. Ngoài ra, việc làm game mobile hiện nay không quá tốn kém, không chỉ những công ty lớn mà cả các nhà phát triển nhỏ lẻ cũng có thể làm được.
Vì vậy mà trên thị trường xuất hiện nhiều game kém chất lượng từ các nhà phát triển thiếu kinh nghiệm, đến mức Google và Apple không thể kiểm soát. Càng nhiều người làm được game thì tỉ lệ game kém chất lượng sẽ nhiều lên, trong khi số lượng game hay và được đầu tư lại giảm đi.
Mặc dù vẫn còn những nhà phát triển lớn, sẵn sàng đầu tư để làm những sản phẩm hay, họ phải tìm cách để bù lại chi phí phát triển nếu game được phát hành miễn phí.
Điều này vô tình sinh ra những tựa game tuy có chất lượng rất tốt nhưng lại luôn tìm cách để người chơi bỏ nhiều tiền hơn. Điển hình là bom tấn Diablo Immortal, khi người phải chi tới 110.000 USD để nâng cấp tối đa một nhân vật.
Game mobile đang bị ghét oan?
Có một lý do khá “lạ” để người chơi PC kỳ thị game mobile, đó là vì thị trường game di động quá thành công, thậm chí là vượt xa PC/Console.
Theo báo cáo của Statista, thị trường game mobile trong năm 2021 đã đạt tới 98,22 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 52% toàn thể ngành Game.
Không thể chối cãi rằng game mobile mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các nhà làm game, phần nào giúp các công ty này tiếp tục phát triển game chất lượng cho cả PC và Console. Với lợi ích lớn như vậy, không có lý do chính đáng để game mobile bị ghét.
Cộng đồng game thủ, dù ở bất kỳ nền tảng nào, đều là những mắt xích nhỏ, có vai trò quan trọng để phát triển cả một cộng đồng lớn mạnh.
Hơn nữa, PC/Console và Mobile là 2 thị trường có thị hiếu hoàn toàn khác nhau. Do đó, sự phân biệt đối xử chỉ là tâm lý nhất thời.
Với sự phát triển của game mobile trong thời gian qua, nhiều game đã được phát triển thành nội dung eSports, xuất hiện trong các đại hội thể thao. Điều đó cho thấy thị trường game mobile vẫn đang ngày càng phát triển.